SaPa Review – Nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu mở rộng không gian du lịch theo hướng sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao giải trí ngoài trời. Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, định hướng này nhằm khai thác tối đa tiềm năng danh thắng, di tích lịch sử và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Bắc Giang tập trung phát triển các khu du lịch có điều kiện thuận lợi, phục vụ nhu cầu trong tỉnh và các khu vực lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn… Các khu du lịch này sẽ được kết nối thông qua các tuyến liên vùng, hình thành hệ thống điểm đến đa dạng và hấp dẫn.
Tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển du lịch theo năm không gian chính:
- Không gian du lịch Tây Yên Tử: Gồm các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động – khu vực trọng điểm phát triển du lịch tâm linh gắn với di sản Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
- Không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí: Trải rộng từ Lục Ngạn, Lục Nam đến Lạng Giang, tập trung vào các khu du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững.
- Không gian du lịch gắn với di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế: Phát triển tại các huyện Yên Thế, Tân Yên, mang đến trải nghiệm du lịch lịch sử và văn hóa bản địa.
- Không gian văn hóa Quan họ, di tích ATK: Gồm huyện Việt Yên và Hiệp Hòa, tập trung vào khai thác du lịch văn hóa truyền thống.
- Không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, lịch sử, tâm linh: Nằm tại thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng, đây sẽ là trung tâm du lịch hiện đại của tỉnh.

Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển ba khu du lịch có quy mô lớn, hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc gia:
- Khu du lịch Tây Yên Tử: Điểm đến quan trọng của du lịch tâm linh, gắn với dấu chân Phật tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
- Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Lục Ngạn: Phát triển theo mô hình du lịch miệt vườn, kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp, với trung tâm là hồ Khuôn Thần.
- Khu du lịch núi Nham Biền: Định hướng thành khu nghỉ dưỡng kết hợp thể thao, vui chơi giải trí.
Ngoài ra, Bắc Giang cũng phát triển nhiều điểm du lịch cấp tỉnh như: Đồng Cao, Tiên Sơn – Vân Hà, Hương Sơn (Lạng Giang), bản Ven – Xuân Lung – Thác Ngà…
Tỉnh hỗ trợ hình thành các điểm du lịch cộng đồng tại bản Ven, bản Xoan (Yên Thế), Khe Nghè (Lục Nam), bản Bắc Hoa (Lục Ngạn), làng cổ Thổ Hà (Việt Yên)… Đặc biệt, Bắc Giang đang thu hút đầu tư xây dựng từ 2-3 khách sạn 5 sao, 8-15 khách sạn 4 sao và trên 100 khách sạn từ 1-3 sao nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú.
Các sản phẩm du lịch đặc trưng như “Con đường Hoằng dương Phật pháp Tây Yên Tử” hay “Golf Bắc Giang” cũng đang được đẩy mạnh quảng bá, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch riêng biệt cho tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang đón khoảng 2,2 triệu lượt khách, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 40%. Một số điểm đến nổi bật thu hút du khách như:
- Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử
- Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà
- Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, Vạn Hoa – Hồ Va
- Làng cổ Thổ Hà, điểm du lịch cộng đồng bản Ven
- Hồ Cấm Sơn, du lịch miệt vườn Lục Ngạn
Hiện toàn tỉnh có 33 điểm du lịch cộng đồng với 250 hộ dân tham gia, trong đó nhiều điểm đang hoạt động hiệu quả như bản Ven, bản Xoan (Yên Thế), làng Thổ Hà (Việt Yên), bản Bắc Hoa (Lục Ngạn)…
Với định hướng phát triển bài bản và chiến lược thu hút đầu tư mạnh mẽ, Bắc Giang đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch nổi bật trong khu vực vào năm 2030.
Ngọc Nga